Chuẩn bị cho học sinh các cấp đi học trở lại
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến kế hoạch triển khai cho học sinh các cấp đi học trở lại. Đại biểu Trần Thị Diễm Trinh (Tổ đại biểu TP.Dĩ An) đặt câu hỏi: “Hiện nay trong tình hình mới, với đặc điểm riêng của tỉnh có rất nhiều phụ huynh là công nhân lao động phải đến xí nghiệp, nhà máy, việc trẻ không đến trường đã ảnh hưởng đến đời sống của một số công nhân lao động. Bên cạnh đó, một số gia đình vẫn có tâm lý “thà cho con em nghỉ một năm học chứ không đến trường” trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành đã xuất hiện ca nhiễm trong trường học thời gian qua. Với vai trò là người đứng đầu ngành GDĐT của tỉnh, Sở đã xây dựng kế hoạch triển khai cho học sinh các cấp đi học trở lại như thế nào?”.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết, ngày 21/10/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5343/KH-UBND về phối hợp thu hút, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại làm việc tại tỉnh Bình Dương. Trước tình hình trên, ngành GDĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục khảo sát nhu cầu gửi trẻ của cha, mẹ học sinh để tham mưu lãnh đạo tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương cho phép một số cơ sở giáo dục hoạt động lại tại các địa phương được đánh giá cấp độ dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2.
Song song đó, tiếp tục phân công giáo viên dạy học trực tuyến cho tất cả các học sinh nhóm đối tượng có phụ huynh không an tâm, nhằm giải quyết bài toán tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học và đáp ứng giữ vững chất lượng giáo dục.
Đến thời điểm hiện nay, đã tổ chức dạy trực tiếp cho học sinh 26 trường THPT. Dự kiến từ ngày 03/01/2022 các trường THCS, THPT trong tỉnh, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục thường xuyên và bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh; các cơ sở giáo dục ngoài giờ, Trung tâm ngoại ngữ, tin học; Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; các cơ sở giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa tổ chức đón 100% học sinh, học viên trở lại trường để to chức dạy học với hình thức trực tiếp trong trạng thái bình thường mới.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo, trường tiểu học sẽ thực hiện thí điểm theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 12 đến 24/12/2021, thí điểm cho trẻ mầm non, học sinh lớp 1, lớp 2 có cha, mẹ tham gia lao động sản xuất, có nhu cầu bức thiết, cần gửi con được đến trường học trực tiếp. Giai đoạn 2, từ ngày 27/12/2021 đến 28/01/2022, mở rộng đối tượng trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non cho toàn bộ cha, mẹ có nhu cầu gửi trẻ, tự nguyện đăng ký; học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 có cha, mẹ tham gia lao động sản xuất, tự nguyện đăng ký. Từ 07/02/2022 nếu tình hình dịch kiểm soát sẽ tổ chức học tập trực tiếp cho toàn bộ học sinh tiểu học và mầm non.
Sở GDĐT chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện song song các biện pháp dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và chuẩn bị tất cả các điều kiện đảm bảo an toàn các cơ sở giáo dục trong việc dạy học, đặc biệt là việc giữ trẻ mầm non, đáp ứng vừa an toàn cho trẻ vừa an tâm cho cha, mẹ trẻ.
Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học
Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Toàn (Tổ đại biểu TP.Thuận An) về công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học khi học sinh được quay trở lại học trực tiếp, đồng thời vừa bảo đảm chất lượng dạy và học trong thời gian tới, Giám đốc Sở GDĐT cho biết, Sở đã chỉ đạo, yêu cầu các trường học phải thực hiện đủ, đúng các biện pháp nội dung, quy định về đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong trường học.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm y tế huyện, với địa phương để nắm tình hình dịch bệnh trên địa bàn; khử khuẩn, vệ sinh trường lớp sạch sẽ mỗi tuần 1 lần trước khi học sinh đi học trở lại. Có giải pháp phù hợp khi có dịch bệnh xảy ra liên quan đến học sinh; thực hiện đeo khẩu trang khi đến trường và trong giờ học; đo thân nhiệt, quét mã QR và test nhanh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tu sửa cơ sở vật chất sau khi các trường trưng dụng làm khu cách ly được trả lại. Duy trì việc tổ chức khử khuẩn khuôn viên trường học, lớp học; lau chùi bàn ghế; vệ sinh tẩy trùng đồ chơi cho trẻ, vệ sinh thiết bị dạy học trước giờ học; chuẩn bị xà phòng sát khuẩn và nơi rửa tay cho giáo viên, học sinh; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ để phòng, chống dịch bệnh cho học sinh như: Bồn rửa tay, xà phòng sát khuẩn, dụng cụ đo thân nhiệt, cồn xịt khuẩn, khẩu trang y tế, và Phòng y tế dự phòng để cách ly F0; nâng cao chất lượng công tác y tế trường học, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường hoạt động Chữ thập đỏ trong trường học đảm bảo thích ứng các tình huống về dịch bệnh.
Xây dựng kế hoạch và kịch bản phòng, chống dịch bệnh, có phương án và hướng dẫn chi tiết xử lý các tình huống khi có sự cố về dịch bệnh Covid-19; kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, phân công phân nhiệm cụ thể từng thành viên trong Ban chỉ đạo; thực hiện các biện pháp khai báo y tế đối với giáo viên, nhân viên và học sinh. Đối với giáo viên, nhân viên phải bảo đảm 100% được tiêm ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi mới được quay lại trường làm việc.
Rà soát để nắm chắc tình hình học sinh, cha, mẹ học sinh trước khi học sinh đi học trở lại trong các vấn đề có liên quan đến dịch bệnh Covid-19 như: Khai báo y tế, lịch sử tiếp xúc, di chuyển, tình trạng sức khỏe, phương tiện đi học,... Tiêm ngừa Covid-19 cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thuộc đối tượng được cho phép tiêm vắc xin.
Giám đốc Sở GDĐT nhấn mạnh, tỉnh Bình Dương đã chuyển sang trạng thái mới thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó việc tổ chức cho học sinh đến trường học trực tiếp là để học sinh học tập tốt hơn, khắc phục được các bất cập nảy sinh trong thời gian các em phải học trực tuyến thời gian vừa qua. Các trường học trong thời gian tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh cũng có thể có trường hợp không may là xuất hiện F0 trong trường học. Tuy nhiên, Sở GDĐT tin rằng, cùng với sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, ngành sẽ thực hiện tốt trong công tác phòng, chống dịch tại nhà trường. Tận dụng đối đa khoảng “thòi gian vàng” khi dạy - học trực tiếp để tổ chức, sắp xếp dạy - học thật sự hiệu quả, tiếp tục đưa chất lượng giáo dục của tỉnh nhà ngày càng phát triển.